Lịch sử Đảo Inaccessible

Hòn đảo được phát hiện vào tháng 1 năm 1656 trong chuyến đi của con tàu Hà Lan ’t Nachtglas ("kính đêm"), dưới sự chỉ huy của Jan Jacobszoon,[2] 146 năm sau khi Tristan da Cunha lần đầu tiên được nhìn thấy bởi các thủy thủ Bồ Đào Nha. Jacobszoon ban đầu đặt tên cho nó là đảo "Nachtglas".

Có hai cách giải thích cho cái tên hòn đảo "Inaccessible". Một là trên bản đồ, hòn đảo mới được tìm thấy được gọi là "inaccessible" (không thể tiếp cận) bởi vì đoàn thủy thủ Hà Lan đổ bộ lên đảo đã không thể vào bên trong hòn đảo.[3] Các tuyên bố khác cho rằng thuyền trưởng người Pháp d'Etcheverry đã đổi tên hòn đảo vào năm 1778 sau khi không thể đặt chân lên đảo.[1][4] Năm 1803, những người săn hải cẩu Hoa Kỳ do Amasa Delano dẫn đầu đã đặt chân lên đảo.[2]

Anh em nhà Stoltenhoff, đã đến đảo Inaccessible từ Đức vào năm 1871, sống ở đó trong hai năm với ý định săn hải cẩu và bán sản phẩm của họ cho các thương nhân, mặc dù giao dịch như vậy là rất nhỏ. Do sự khan hiếm thực phẩm, họ đã "vui mừng khôn xiết" khi được giải cứu vào năm 1873 trong chuyến thăm của tàu HMS Challenger để kiểm tra hệ động thực vật ở đó.[5] Tác giả người Nam Phi Eric Rosenthal đã ghi chép lại cuộc phiêu lưu của anh em Stoltenhoff vào năm 1952.[6] Gần đó là đảo Stoltenhoff được đặt theo tên của anh em họ.

Vào năm 1922, tàu Quest trong cuộc Thám hiểm Shackleton-Rowett đã dừng lại một cách nhanh chóng và nhà tự nhiên học trên tàu là Hubert Wilkins đã phát hiện ra một con chim, sau đó được đặt theo tên của ông là sẻ Wilkins. Năm 1938, đoàn thám hiểm khoa học Na Uy đã dành ba tuần trên đảo, trong thời gian đó họ đã tìm cách tiếp cận cao nguyên và lập danh lục bao quát các loài thực vật, chim và đá. Một nỗ lực khác trong việc lập bản đồ hòn đảo đã được thực hiện trong cuộc thám hiểm của Hiệp hội Hoàng gia Anh năm 1962 tới Tristan da Cunha, đưa các nhà khoa học đến đảo Inaccessible. Giống như nhiều nhà thám hiểm khác trước họ, các nhà khoa học trong đoàn cũng không thể đi sâu vào được bên trong hòn đảo.

Đảo Inaccessible được tuyên bố là khu bảo tồn thiên nhiên theo Pháp lệnh bảo tồn Tristan da Cunha năm 1976. Tuy nhiên, người ta vẫn được phép thu hoạch chim biển từ đảo. Trong một cuộc thám hiểm năm 1982 (16 tháng 10 năm 1982 - 10 tháng 2 năm 1983), sinh viên và giảng viên của trường Cao đẳng Denstone ở Anh đã tạo ra các bản đồ chi tiết về hòn đảo, nghiên cứu hệ động thực vật, địa chất của nó và thực hiện một dự án đánh số theo dõi lên hơn 3.000 cá thể chim.[7]

Vào năm 1997, vùng lãnh hải của hòn đảo rộng 22 km (14 dặm) đã được tuyên bố là khu bảo tồn thiên nhiên theo Pháp lệnh bảo tồn Tristan da Cunha năm 1976. Hiện tại, chỉ có đoàn có hướng dẫn viên từ Tristan mới được phép đi tàu du lịch đến đảo Inaccessible; thật vậy, hầu hết các chuyến đi đến đảo được thực hiện theo yêu cầu của người nước ngoài. Năm 2004, đảo Inaccessible đã được thêm vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO như là một phần mở rộng của Di sản thế giới đảo Gough được công nhận trước đó để tạo thành một di sản mới tên là đảo Gough và đảo Inaccessible.